TRẦN NGỌC HIẾU
Văn
học đồng tính (queer literature) là gì? Là văn học được viết bởi các
tác giả đồng tính? Là các tác phẩm lấy đời sống của người đồng tính làm
đề tài? Là tác phẩm đề cập, khắc họa hình tượng nhân vật đồng tính? Văn
học đồng tính được xác lập nhờ một lối viết đặc biệt hay đó còn là dòng
văn học được hình thành bởi tưởng tượng của một cách đọc đặc biệt? Đó
những câu hỏi dường như chối từ những khẳng định quả quyết. Bởi lẽ đồng
tính – như một căn cước giới tính bị xem là thiểu số - luôn phải đối
diện với những định kiến, luôn có khả năng bị gây tổn thương – thường
phải tìm đến những hình thức ngụy trang để tự biểu hiện; như một kiến
tạo của diễn ngôn, đồng tính là một thứ diễn ngôn bị trấn áp, luôn bị
ngoại biên hóa trong lịch sử văn hóa, nó thường là một tiếng nói bị
khuất lấp, bị phân mảnh; như một tập hợp các ký hiệu trình hiện
(representation), đó lại là một tập hợp các cái biểu đạt không cố định,
không chặt, trôi nổi, tùy thuộc vào các ngữ cảnh văn hóa-lịch sử.
Văn
học đồng tính ở Việt Nam có diện mạo như thế nào, có đặc điểm gì? Với
câu hỏi này, tính phức tạp còn tăng lên nhiều lần. Thứ nhất, sự mô tả
người đồng tính trong lịch sử thuộc về phần vi lịch sử (micro-history),
một thứ tiểu tự sự tồn tại dưới hình thức các mảnh vỡ, các vết tích cần
đến nhiều nỗ lực khảo cổ, khớp nối, nhất là trong tình trạng các tư liệu
lịch sử ở ta còn manh mún. Thứ hai, không thể mô tả diện mạo văn học
đồng tính như thực thể biệt lập với các thực hành văn hóa khác: ngôn
ngữ, tôn giáo, thời trang, nghệ thuật, văn hóa đại chúng, truyền
thông,... Ở đó, người đồng tính vừa tự đánh dấu, vừa bị đánh dấu bởi các
biệt ngữ, vừa lợi dụng, vừa bị lợi dụng bởi các hoạt động biểu hành
trong đời sống để biểu hiện mình. Thứ ba, viết và đọc văn học đồng tính ở
Việt Nam có điểm gì khác biệt trong việc biểu hiện phái tính so với
loại hình nghệ thuật khác; ngôn ngữ tạo ra những thuận lợi đồng thời gây
ra những trở ngại gì trong việc thể hiện và tiếp nhận hình tượng người
đồng tính? Thứ tư, ý nghĩa của việc đọc/ phê bình đồng tính (queer
reading/ queer criticism) trong ngữ cảnh Việt Nam là gì: là công khai
hóa những mã giới tính vốn thường chìm trong các văn bản, là bóc trần
những lớp vỏ ngụy trang cho tâm lý sợ đồng tính (homophobia), là một
động thái gắn kết phê bình văn học với các hoạt động xã hội đấu tranh
cho quyền của người đồng tính đang diễn ra khá sôi nổi gần đây; là việc
tìm kiếm một khuynh hướng, một “gu” thẩm mỹ riêng, nếu có, của dòng văn
học này?
Với
bài viết này, những câu hỏi đặt ra ở trên chưa thể tìm được câu trả lời
thấu đáo ngay. Một cách thẳng thắn, những gì trình bày ở đây, trước
hết, giống như một tổng thuật về lịch sử của dòng văn học đồng tính ở
Việt Nam, từ những hình thức ngụy trang trong lịch sử đến các tự thuật
công khai thú nhận giới tính hiện nay. Mặt khác, bài viết còn đưa ra một
dự phóng để suy nghĩ xa hơn về văn học đồng tính nhằm giải phóng hình
dung về dòng văn học này như một “ghetto” của một cộng đồng thiểu số.
Từ lý thuyết đồng tính (queer theory) đến văn học đồng tính ở Việt Nam trong lịch sử
Thực
ra dịch “queer theory” là lý thuyết đồng tính có lẽ là cách dịch còn
hẹp nghĩa. Bởi mối quan tâm của lý thuyết này không chỉ giới hạn trong
phạm vi vấn đề đồng tính. Nói như Eve Kosofy Sedgwick, một học giả hàng
đầu của lý thuyết này, thì “queer” có thể quy chiếu tới “một mạng lưới
mở của những khả thể, những kẽ hở, những sự chồng chéo, những cộng hưởng
và xung đột, những sai lẫn và những thái quá về ý nghĩa khi những thành
tố cấu thành phái tính của bất cứ ai, khuynh hướng tình dục của bất cứ
ai không phải/ không thể là những cái biểu đạt nguyên khối”(2).
Một cách ngắn gọn, từ “queer” hàm chứa trong nó tập hợp các biểu hiện
cho thấy giới tính là một ý niệm thuộc thể lỏng hơn là một khối rắn
chắc, xác định, đóng kín.
Sự
hình thành thuyết đồng tính như một dòng mạch tư tưởng trước hết có
liên hệ mật thiết với các phong trào chính trị - xã hội đấu tranh cho
quyền bình đẳng của người đồng tính, mà sự kiện thường được dẫn ra như
mốc quan trọng nhất là cuộc nổi loạn của những người đồng tính tại quán
bar Stonewall, thành phố New York, nước Mỹ năm 1969. Stonewall khi đó
được biết đến như một quán bar dành cho cộng đồng gay, đặc biệt là dân gay
ở tầng lớp dưới đáy xã hội như những người đồng tính vô gia cư, mại dâm
nam, những người thích ăn mặc giả gái,... Vụ đụng độ giữa những người
đồng tính với cảnh sát này được ví như sự phát động đầu tiên cho những
hoạt động của phong trào giải phóng giới đồng tính diễn ra sau đó, bắt
đầu từ Mỹ. Lý thuyết đồng tính được xem như điểm tựa tư tưởng của phong
trào này. Ở phương diện này, sự xuất hiện của lý thuyết đồng tính có
được sự cộng hưởng tinh thần với các lý thuyết khác như nữ quyền luận,
phê bình chủng tộc/ sắc tộc, hậu thực dân luận,... Chúng phản ánh khúc
ngoặt của lý thuyết văn hóa/ văn học từ cuối thập niên 60 thế kỷ trước:
hướng đến cái ngoại biên của văn hóa, hướng đến các bộ phận thiểu số,
chất vấn tính hợp thức của các khung tri thức được xác lập bởi ý thức hệ
thống trị.
Thuyết
đồng tính cho đến giờ vẫn là một dòng mạch lý thuyết phát triển năng
động, quy tụ nhiều nhà tư tưởng, nhiều học giả mà những kiến giải của họ
về giới, về tình dục thực chất còn ảnh hưởng rất mạnh đến sự hình thành
kiểu tư duy phê phán mới. Đầu tiên phải nhắc đến Michel Foucault với
công trình có ý nghĩa nền tảng cho lý thuyết đồng tính – bộ ba History of Sexuality (Lịch sử tính dục).
Tính đột phá của công trình này nằm ở chỗ Foucault đã giải phóng tính
dục, giới tính ra khỏi quan điểm bản chất luận, tự nhiên luận, theo đó,
ông cho rằng giới tính, tính dục là ý niệm được tạo lập bởi các diễn
ngôn. “Tác phẩm của Foucault quan trọng vì nó cho thấy tính dục không
đơn giản là sự biểu hiện tự nhiên của một động cơ hay ham muốn
bên trong nào đó. Các diễn ngôn về tính dục liên quan đến sự vận hành
của quyền lực trong các mối quan hệ người cũng như chúng chi phối sự tạo
lập bản sắc cá nhân. Bằng việc nhấn mạnh đến những cách thức mà tính
dục được viết lên/ viết vào thân thể, những cách làm cho tình dục đồng
tính trở thành sự vô hình hay hữu hình về văn hóa, Foucault đã bắt đầu
phá vỡ ý niệm về tính dục như một dữ kiện đời sống trong suốt”(3).
Sau Foucault, có thể nhắc đến nhiều học giả tầm cỡ khác như Judith
Butler, Eve Kosofy Sedgwick, Lee Edelman, Ann Cvetkovich, Michael
Warner,...; mỗi người lại tiếp cận vấn đề “queer” một cách khác nhau và
phát triển tư tưởng rất phức tạp. Nên ở một mức độ nào đó, có thể hình
dung “queer theory” hiện nay đang tồn tại ở dạng số nhiều: “queer
theories”. Chúng còn móc nối với những chủ điểm nghiên cứu khác như
chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc, phê bình sinh thái,...
Có
lẽ điểm mấu chốt chung nhất ở các thực hành của các học giả chuyên sâu
về thuyết đồng tính là “gỡ hành vi tính dục (sex acts) ra khỏi bản sắc
của phái tính (gender identity)”, từ đó chứng minh “tính dục về bản chất
không phải là một đặc điểm cá nhân mà là một phạm trù văn hóa có sẵn”(4).
Judith Butler và Eve Kosofy Sedgwick sẽ phát triển xa hơn luận đề của
Foucault cho rằng giới tính, tính dục mang tính diễn ngôn khi họ thống
nhất với nhau ở quan điểm: giới tính, tính dục là các diễn ngôn biểu
hành: “Người ta không sinh ra là đàn bà, đàn ông hay đồng tính: người ta
trở thành đàn bà, đàn ông hay đồng tính chỉ trong ngữ cảnh sự trình
diễn, biểu hành hay không trình diễn, biểu hành những hành vi nhất định
nào đó. Đồng tính không gọi tên một trạng thái tồn tại: nó biểu thị một
hữu thể (being) thực hiện một số hành vi nhất định nào đó, kẻ được nhận
diện và được phân loại bằng những phạm trù xã hội hơn là những thuộc
tính bản chất”(5). Anh thuộc giới nào, theo đó, không phải
được xác định theo những bản chất được mặc định là “trời cho”, “sinh ra
đã thế” mà điều này phụ thuộc vào việc anh làm gì, anh biểu hành, anh
trình diễn những hành vi gì và như thế nào trong những ngữ cảnh văn hóa
cụ thể.
Đến
đây, có thể thấy, thuyết đồng tính không chỉ đơn giản nhằm biện hộ cho
quyền của người đồng tính. Đồng tính có thể xem như một ý niệm ở giữa,
một khoảng không gian thứ ba, từ đó, cho thấy những đối lập nhị nguyên
về phái tính thực chất rất bất ổn. Nếu đồng tính nói riêng, phái tính
nói chung đều là những quy ước diễn ngôn thì cũng có thể tạo ra sự kháng
cự ngay trong bản thân diễn ngôn, có thể phá vỡ những quy ước, những
thương thỏa này để xác lập một không gian tự do hơn, rộng rãi hơn, linh
hoạt hơn và độ lượng hơn cho mỗi chủ thể. Thuyết đồng tính, cũng như
nhiều lý thuyết văn hóa đương đại, trong khi tưởng như làm lung lay
những phạm trù nền tảng, kiên cố vốn tạo nên trật tự và sự thống nhất
của bức tranh thế giới, thực ra lại tạo ra những đường thoát, những kẽ
hở để con người tự giải phóng mình, tự xác lập giá trị tự thân, thay đổi
tương quan quyền lực trong các mối quan hệ người, trong quan hệ giữa
con người với thế giới. Đấy là lý do vì sao lại có xu hướng “queering”
(tạm dịch là “làm rối”/ “làm nhiễu” từ nhãn quan đồng tính luận) các
phạm trù khác như dân tộc, chủng tộc, tự nhiên,... Trở thành “queer” như
thế cũng có thể hiểu trở thành một cái gì đó có khả năng phản tư, chất
vấn trước các ý niệm, giá trị tưởng như đã được mặc định yên ổn, được
coi là bình thường hay chuẩn mực.
Tóm
lại, nếu bản thân “queer”, và rộng hơn là “phái tính”, là những phạm
trù biểu hành, là những “vai diễn” trong những ngữ cảnh văn hóa cụ thể
thì văn học đồng tính là một ý niệm mang đặc tính của thể lỏng. Nhưng
thực ra thì ngay cả các ý niệm như văn học nữ hay văn học nam giới cũng
không xác định, không rõ ràng hơn văn học đồng tính là bao nhiêu. Bài
viết này đề xuất một định nghĩa “lỏng” về văn học đồng tính: đó không
phải là dòng văn học được xác lập bởi một nhóm tác giả đặc thù hay xoay
quay những nhân vật có độ nhiễu về bản sắc giới tính. Văn học đồng tính
nên được xem như một dải phổ của những biểu hiện về tình trạng mơ hồ và
xu hướng lệch chuẩn về giới tính, thân thể, tình dục vốn rất đa dạng,
phức tạp từ quan hệ luyến ái đồng giới, hiện tượng giả nam/ giả nữ, hiện
tượng bị thiến, hiện tượng đổi vai “giới” trong nghệ thuật tự sự, các
hình thức ngụy trang giới tính,...
Một
dòng văn học đồng tính ở Việt Nam, nếu được hiểu như trên, trước hết,
cần phải được khảo sát từ trong văn học dân gian, nơi văn học tồn tại
trong trạng thái nguyên hợp với các hình thái folklore khác như tín
ngưỡng, hội hè, sân khấu dân gian,... – những hình thái mang tính chất
trình diễn rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi bộc lộ, đảo
trang hay vượt rào giới tính. Một sinh hoạt như lên đồng trong Đạo Mẫu
cho thấy tín ngưỡng dân gian không chỉ có thể hiểu như một hình thức cho
phép sự hoán vị, vượt rào giới tính diễn ra công khai, mà cần được xem
như một không gian nơi các chủ thể “queer” đoạt quyền lực của mình, vượt
lên những kỳ thị, trấn áp diễn ra đối với họ trong không gian thường
nhật và ngay trong ngôn ngữ thường nhật. Một vở chèo như Quan Âm Thị Kính
có thể được diễn giải như một dụ ngôn về khả năng nhiễu của những cái
biểu đạt giới tính và bi kịch của vở diễn bắt nguồn từ độ nhiễu ấy.
Văn
học trung đại Việt Nam được hình thành dưới ảnh hưởng sâu sắc của tư
tưởng Nho giáo, một học thuyết tư tưởng lấy nam giới làm trung tâm. Tư
tưởng nam quyền vô hình hóa, ngoại vi hóa các giới tính khác: một tích
truyện như Lưu Bình - Dương Lễ cho thấy rõ phụ nữ bị làm rỗng, bị công
cụ hóa để tôn vinh đạo lý tình bạn giữa những người đàn ông trong xã hội
phong kiến. Đương nhiên, đồng tính cũng sẽ bị ngoại vi hóa, bị đè nén
trong ngữ cảnh văn hóa như vậy. Chỉ có điều như Tạ Chí Đại Trường trong
nghiên cứu rất công phu của mình – Sex và triều đại – cho thấy,
sự bất thường về giới tính trong các xã hội phương Đông chỉ được nhìn
nhận như một hiện tượng gây tò mò, ngạc nhiên và cùng lắm là bị chế
giễu, nhạo báng chứ không phải là một tội lỗi như ở các xã hội phương
Tây(6).
Văn
học đồng tính Việt Nam thời trung đại có thể được chú ý ở hai phương
diện: kiểu tác giả và sự thể hiện hình ảnh người đồng tính, chuyển giới,
bị thiến hoạn. Ở phương diện thứ nhất, Tạ Chí Đại Trường đã có những
phân tích rất thú vị về một hiện tượng khá phổ biến trong văn học Việt
Nam từ thế kỷ XVIII: các tác giả nhà nho “núp bóng đàn bà”, nhập vào vai
nữ để ký thác tâm sự trong các tác phẩm của Đặng Trần Côn, Phan Huy
Ích, Nguyễn Gia Thiều,... Tạ Chí Đại Trường gọi đây là hiện tượng “nhà
nho lại cái”, một hiện tượng được hình thành trên những cơ sở văn hóa -
lịch sử: những áp lực từ tầng lớp xuất thân, từ hệ thống kiến thức ngoại
lai mà nho sĩ phải tiếp thu, địa vị thường có xu hướng bị ngoại biên
hóa trong cấu trúc xã hội, bối cảnh loạn lạc của thời đại, sự trấn áp
của đạo đức Nho giáo,... Tất cả điều này khiến cho các nhà nho phải tìm
đến một phương thức để giải tỏa ẩn ức. Tạ Chí Đại Trường nhận xét: “Sự
biến hình, dù trong tâm tưởng, và vô ý thức, cũng đã có nguyên nhân từ
sự đè nén của quyền lực chính trị, của đạo lý đã bóp mềm con người...
Dạng hình mượn (làm người nữ) phối hợp với sự yếu mềm về tâm tính, đủ
cho sự giả trang của nho thần che mắt được quyền lực bên trên”(7).
Chắc hẳn sẽ còn cần phải thảo luận liệu hiện tượng nhập vai nữ để tự sự
này có thể xem như là chuyển vị nhục cảm đồng tính vào trong nghệ thuật
ngôn từ hay chưa (trên thực tế, Cung oán ngâm hay Chinh phụ ngâm
đều có những câu thơ đẫm chất nhục cảm, thể hiện những cung bậc mãnh
liệt của dục vọng, của thân xác) hay đơn giản chúng ta chỉ nên thận
trọng coi đây là một kỹ thuật tự sự. Nhìn rộng ra, cũng phải xem hình
thức thác lời bằng cách “chuyển giới” tưởng tượng này trong mối liên hệ
với một đề tài khá phổ biến trong thơ ca cổ điển là đề tài “khuê oán”,
trong đó các tác giả xuất sắc nhất của mảng đề tài này chủ yếu là các
nhà thơ nam. Nhưng hiện tượng “nhà nho lại cái” cho phép ta chứng thực
ngay một điều: khi nam giới trở thành trung tâm của ý thức hệ, nó không
chỉ ngoại vi hóa, vô hình hóa, tạo nên những trấn áp đối với những giới
tính khác, ý niệm nam tính còn trấn áp, đè nén chính bản thân của người
đàn ông.
“Queer”
trong tư duy tự sự trung đại có thể được xếp vào phạm trù “kỳ”, được
hiểu như là “cái lạ thường”, “cái kỳ lạ”,... Sự xuất hiện của những kẻ
có biểu hiện bất thường về giới tính thường được mô tả gắn liền với
những biến cố bất an của xã hội. Theo khảo sát của Nguyễn Thanh Tùng,
các hình tượng nữ được miêu tả theo hướng nam hóa xuất hiện nhiều hơn xu
hướng ngược lại – nam bị nữ hóa(8). Một ghi chép về hình tượng Bà Triệu trong sách Giao Chỉ ký do Tăng Cổn, một quan chức ở Giao Châu thế kỷ IX viết, sau này được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư,
có thể được xem như là một cách mô tả “queer” hóa: “Trong núi ở quận
Cửu Chân có người con gái em họ Triệu, vú dài 3 thước không lấy chồng,
họp đảng cướp bóc các huyện trong quận, thường mặc áo ngắn Bắc Vàng đi
guốc gỗ, ngồi đầu voi đánh nhau, sau chết làm thần”(9). Bà
Triệu được tái hiện ở đây như là một hình tượng dị kỳ không chỉ ở kích
thước được phóng đại quá cỡ của bầu vú mà ở các biểu hiện nam hóa lồ lộ
thông qua các hành vi vốn được mặc định là đặc quyền của nam giới và đặc
biệt ở việc “không lấy chồng” – một sự lệch chuẩn khỏi khuôn khổ của
phụ nữ rất khó chấp nhận được từ ý thức hệ Nho giáo. Trường hợp nam bị
nữ hóa còn lại được một ghi chép trong sử sách là câu chuyện về An Vương
Tuân, con cả của vua Lê Hiến Tông. Sách Đại Việt thông sử của
Lê Quý Đôn ghi rằng An Vương Tuân vốn là người thông minh học rộng, sức
lực hơn người nhưng tính khí nóng nảy, ngang bướng, đặc biệt lại thích
mặc áo của phụ nữ, từng có âm mưu dùng thuốc để đầu độc chính mẹ mình và
do đó không được lựa chọn làm người nối ngôi(10). Tạ Chí Đại
Trường đã phân tích cách Lê Quý Đôn kể câu chuyện về An Vương Tuân để
đi đến một nhận xét sâu sắc: “Lời của Lê Quý Đôn làm nổi sự hả hê của
một người thấy có kẻ trở về với Chính giáo ‘sửa bỏ nết cũ, thờ mẹ rất
hiếu’. Nhưng khi sử gia vô tình dùng ngôn từ kinh sách “giữ mình kín
đáo” để chứng tỏ thêm sự đắc thắng của đạo lý thì đồng thời cũng cho
chúng ta hiểu được nỗi khổ tâm của một con người lạc loài với giới tính
xác định vốn có từ trong căn bản mà phải bị đàn áp, nén sâu”(11).
Tóm
lại, khi văn học trung đại với ý thức hệ Nho giáo định vị người đàn ông
ở trung tâm thì đồng thời nó cũng nảy sinh các diễn ngôn kháng cự trong
lòng nó. Đó là các diễn ngôn có xu hướng “queer” hóa trong thơ văn của
các nhà nho lại cái, chúng mềm hóa ý niệm về nam tính theo lý tưởng Nho
giáo. Nhưng nếu xem xét cách thể hiện hình tượng bất thường giới tính
trong văn chương trung đại thì ta lại thấy rõ định kiến vẫn bị dồn về
phía phụ nữ.
Văn
học hiện đại với sự mở cửa cho ý thức cá nhân được công khai tự biểu
hiện. Môi cảnh xã hội được hiện đại hóa dưới ảnh hưởng của văn minh
phương Tây, dẫu vậy, vẫn tồn tại những rào cản buộc các chủ thể đồng
tính phải tìm đến các hình thức ngụy trang cho những dục cảm của mình.
Bước đầu đã có những nghiên cứu đáng chú ý về cơ chế và các hình thức
ngụy trang và chuyển vị dục cảm đồng tính trong sáng tác của Xuân Diệu,
Hàn Mặc Tử, thậm chí ở cả những người tù cộng sản được ghi lại trong hồi
ký của Trần Huy Liệu(12). Ở đây, chúng tôi xin dừng lại để
thảo luận sâu hơn về trường hợp Xuân Diệu, vừa như một tác giả đồng
tính, vừa như đối tượng “queer” được tái hiện qua diễn ngôn của kẻ khác
(hồi ký Tô Hoài, các giai thoại văn chương).
Trên
thực tế, chưa thể nói Xuân Diệu là nhà thơ “come-out” tự giác trong
sáng tác của mình. Dục cảm đồng tính trong thơ Xuân Diệu phải tự “chuyển
vị” (mượn chữ của Nguyễn Quốc Vinh), phải ngụy trang dưới nhiều biểu
hiện khác nhau: chuyển vị qua một đối tượng khác, gắn với một không gian
khác (trường hợp điển hình là bài thơ “Tình trai”), qua các ám thị, các
biểu tượng (con thú hoang, bờ cát,...) hay qua trạng thái tự si, tự mê
chính bản thân mình(13). Có hai điều đáng nói ở đây: thứ
nhất, hình thức ngụy trang giới tính trong thơ Xuân Diệu bị quy định bởi
chính ý thức hệ lãng mạn của nhà thơ. Dục cảm đồng tính trong thơ Xuân
Diệu nghiêng về sự ngưỡng vọng thân thể nam giới, nghiêng về những đồng
điệu tinh thần, nó e dè, thậm chí sợ hãi tình dục, xem tình dục như là
nhân tố có khả năng hủy hoại thân thể, dẫn đến tình trạng con người thù
ghét, xa lạ với thân thể của chính mình. Trong truyện ngắn Thân thể,
Xuân Diệu đã mượn lời nhân vật Khuông - một người đàn ông đã có vợ nói
với các bạn nam thanh niên: “Ồ? Các em bé của tôi thèm khát đến thế sao?
Tội nghiệp. Các em còn mới mẻ thực. Thân thể! ôi thân thể của chúng ta!
Tôi đã giết hắn đã rõ lắm rồi... Ta nghĩ cái thú toại thịt là thú của
thiên đường, ta mong được lên đến từng trời thứ bảy; ta ao ước, khao
khát, thèm thuồng, van xin; chỉ vì các anh chưa được nếm một cái quả,
nên các anh chảy nước miếng, các anh ăn trước bằng tưởng tượng. Nhưng
hai tuần, một tháng sau khi đã bước bước đầu! Đê vỡ hẳn, nước trào ào,
không ai gìn giữ nữa. Ta vồ lấy thú vui, như mất trí. Tôi biết một người
chi tiêu trọn cái thanh niên của họ trong hai tháng mà thôi”(14).
Ở đây, cần nói thêm: định kiến về tình dục, xem nhục cảm như là thứ
tiềm tàng khả năng gây tha hóa là một định kiến phổ biến trong thơ lãng
mạn. Ta có thể kiểm chứng điều này trong thơ của Vũ Hoàng Chương chẳng
hạn. Thứ hai, nhiều bài thơ ngụy trang xúc cảm đồng tính của Xuân Diệu
tinh vi đến mức nhà phê bình nếu không dựa vào những giai thoại bên
ngoài văn bản sẽ không phát hiện ra(15). Điều này đặt ra vấn
đề cần phải suy ngẫm: tính hợp thức của phê bình văn học đồng tính là
gì? Phải chăng phê bình văn học đồng tính luôn cần phải tiền giả định
một chủ thể sáng tác có vấn đề về bản sắc giới tính? Phê bình văn học
đồng tính có khi nào giống như một hành vi thám tử truy tìm những chứng
cứ trong và ngoài văn bản văn chương để phát lộ bí mật về giới tính mà
nhà văn cố tìm cách che đậy nó bằng những ký hiệu ngôn từ (vốn khó trực
quan hơn các nghệ thuật có yếu tố thị giác)? Phê bình văn học đồng tính,
trong trường hợp này, đứng trên một lằn ranh mong manh giữa mục đích
khám phá cơ chế tâm lý sáng tạo của tác giả (trong đó sự nhận thức về
giới tính là một nhân tố quan trọng) với nguy cơ làm tổn thương chính
những tác giả?
Bản
thân Xuân Diệu cũng là đối tượng được tái hiện trong các tự sự khác về
đề tài đồng tính. Có thể giai thoại về giới tính của nhà thơ đã ngấm
ngầm rò rỉ từ lâu nhưng nó chỉ được chính thức được ghi chép lại lần đầu
trong hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài. Qua câu chuyện về
giới tính của Xuân Diệu mà Tô Hoài kể lại, có thể thấy phản ứng khá phổ
biến của xã hội đương thời (và có lẽ cho đến bây giờ cũng vẫn vậy) về
đồng tính: 1/ đồng tính là thứ khiến người ta sợ hãi, né tránh như một
thứ bệnh dị kỳ (“Hằng đêm Xuân Diệu hay sang giường các bạn trai của ông
để tỏ tình âu yếm. Các bạn của ông ấy rất sợ, vì vậy, cứ đêm đêm, họ
lại tỵ nạn sang nhà khác, không ai dám ở chung với Xuân Diệu”(16));
2/ đồng tính như một tình trạng khiến bản thân mình phải thấy xấu hổ:
nỗi hổ thẹn bắt nguồn từ chỗ cá nhân bị bóc trần bí mật của mình trước
đám đông, cái riêng tư của bản thân bị công cộng hóa. Việc Xuân Diệu
phải viết bản kiểm điểm cho những hành vi bộc lộ ham muốn nhục cảm của
mình, về bản chất, đồng dạng với cơ chế phạt vạ phụ nữ chửa hoang trong
xã hội cũ: ở cả hai trường hợp, bí mật của cá nhân bị rêu rao, bị công
khai để thỏa mãn cảm xúc cộng đồng, thỏa mãn niềm say mê thị uy quyền
lực và phán xét của đám đông; 3/ (điều này không được ghi công khai
trong Cát bụi chân ai), do đồng tính là thứ đáng xấu hổ thế nên
nó có thể phương hại đến quyền lực (việc Huy Cận sinh thời đã phản đối
gay gắt Tô Hoài khi ông cho đăng dài kỳ hồi ký Cát bụi chân ai trên báo Tiền Phong)(17).
Nhưng không chỉ Huy Cận mà nhiều người cũng nghĩ hồi ký của Tô Hoài có
phần bất nhẫn khi kể lại câu chuyện của Xuân Diệu. Bởi Xuân Diệu vốn đã
được tôn vinh như một hình tượng điển phạm trong văn học Việt Nam với
danh xưng “ông hoàng của thơ tình”. Người ta phản ứng với hồi ký của Tô
Hoài có lẽ xuất phát từ tâm lý e sợ điển phạm lung lay, bởi một mặc định
trong nhận thức rằng tình yêu, như là đối tượng của thơ tình, dứt khoát
phải là tình yêu dị tính. Vì như thế, tình yêu ấy mới có sức phổ quát.
Và ngay cả những phê bình biện hộ cho tình cảm đồng tính trong thơ Xuân
Diệu cũng bị ám ảnh bởi tính phổ quát. Những cách đọc ấy vừa chỉ ra bằng
chứng khó chối cãi được về sự hiên diện của những dục cảm đồng tính
trong thơ Xuân Diệu, vừa khẳng định theo tinh thần đại khái rằng nếu thơ
tình Xuân Diệu là “tình trai” thì tình trai cũng là tình yêu thôi, mà
tình yêu đích thực đâu có phân biệt tình cảm dị giới hay đồng giới. Song
liệu biện hộ như thế đã thỏa đáng?
Cá nhân người viết bài này khi đọc Cát bụi chân ai
của Tô Hoài không nghĩ tác giả bất nhẫn với người bạn văn đã quá cố,
không thể nói lại được nữa. Câu chuyện về Xuân Diệu cho ta thấy nỗi khổ
sở, cay đắng của con người một thời khi muốn sống cái phần cá nhân nhất,
riêng tư nhất của mình. Sẽ có ý nghĩa hơn nếu như từ đây, ta có thể so
sánh Xuân Diệu với các nhà thơ đồng tính trong các xã hội cộng sản trước
đây để thấy rõ hơn mối quan hệ giữa đồng tính và chính trị ở một giai
đoạn lịch sử đặc biệt.
Văn học đồng tính Việt Nam đương đại – Văn học tự thú?
Nhìn
lại dòng mạch văn học đồng tính ở Việt Nam trong lịch sử, tự thú dường
như là nội dung quan trọng nhất. Đến mức người ta có thể nghĩ: văn học
đồng tính ở Việt Nam là văn học tự thú. Nhất là khi quan sát văn học
đồng tính Việt Nam đương đại. Điều đáng nói là tự thú trong văn học đồng
tính Việt Nam đương đại diễn ra trong một bối cảnh đã cởi mở hơn nhiều.
Trong bộ phim ca nhạc ăn khách Những nụ hôn rực rỡ (2010), ở
cảnh kết, diễn viên Tô Lâm, một người đồng tính ngoài đời, đã có màn tự
thú thật về giới tính trong một bộ phim hư cấu. Trên các chương trình
thực tế được khán giả Việt Nam chú ý, người ta thường xuyên chứng kiến
nhân vật tham gia giới thiệu mình như là người thuộc thế giới thứ ba một
cách tự nhiên, thậm chí sự xuất hiện của họ còn là nhân tố tạo cho cái
gọi là “thực tế” truyền hình có thêm “kịch tính” – điều mà khán giả
thường chờ đợi. Truyền thông đại chúng vừa tạo ra không gian chính thống
để người đồng tính công khai khẳng định giới tính của mình, không cần
nép vào tôn giáo để hợp thức hóa giới tính đồng thời, khi biến người
đồng tính thành hình ảnh, biên tập hình ảnh ấy theo những áp lực của
kiểm duyệt và nhu cầu của thị hiếu đại chúng, truyền thông, đến lượt
mình, lại tạo ra một sự trấn áp đối với người đồng tính bằng việc tạo ra
những bản kẽm về họ. Nhưng ta sẽ nói đến điều này kỹ hơn ở phần dưới
bài viết.
Bóng
– tự truyện đồng tính của Nguyễn Văn Dũng, do hai nhà báo Đoan Trang và
Hoàng Nguyên chấp bút, xuất bản năm 2008 - là tác phẩm mở đầu cho thể
loại tự thuật thú nhận công khai về giới tính trong văn học Việt Nam
đương đại (sau đó có thêm Không lạc loài của Phạm Thành Trung, Lê Anh Hoài chấp bút, Đời callboy
của Nguyễn Ngọc Thạch,...). Cuốn sách xuất hiện khi hình ảnh người đồng
tính không còn là một cái gì quá xa lạ trên truyền thông đại chúng,
nhưng đồng thời hình ảnh ấy cũng thường được lặp lại theo những công
thức nhất định, tạo thành những định kiến phổ biến. Trên sâu khấu hài
kịch, sự gây cười bởi độ lệch tông được cường điệu trong phương thức
biểu hành giới tính dẫn đến sự đóng đinh hình dung về người đồng tính: gay
tức là ẻo lả, ngoa ngoắt, điệu đà,... Ở điện ảnh và phim truyền hình,
người đồng tính muốn được thừa nhận như một giá trị phải sở hữu những
thứ quyền lực khác để có thể thao túng kẻ khác: thường đó phải là nhân
vật sống ở môi trường đô thị, có tiền, có quyền, có tài, có thân thể
đẹp, thích gây chú ý,... Trên truyền thông báo chí, người đồng tính gắn
liền với những gì thái quá. Chỉ cần đọc nhanh những mẩu tin về các vụ án
liên quan đến người đồng tính, ta dễ nhận thấy một cấu trúc tu từ phổ
biến, theo đó, đồng tính thường có những cảm xúc tâm lý thái quá, gắn
liền những dục vọng mãnh liệt về nhục cảm và bởi thế, đồng tính thường
dễ mù quáng, quá khích, dã man. Những bản án dành cho người đồng tính,
do vậy, thường ở khung hình phạt rất nặng. Chỉ cần gõ hai từ khóa “đồng
tính” và “tử hình” đi đôi với nhau lên Google, kết quả sẽ cho ta một con
số đáng suy nghĩ. Phần lớn các vụ án này, theo tường thuật của báo chí,
thường xuất phát từ những động cơ tiền bạc và tình dục quá khích, dẫn
đến chỗ các án mạng được mô tả theo chiều hướng tăng cấp sự man rợ. Hiện
tượng này cũng nên được xem xét như một nguyên nhân dẫn đến sự dai dẳng
của tâm lý homophobia trong xã hội Việt Nam đương đại.
Giữa những diễn ngôn phổ biến như vậy về người đồng tính trong văn hóa đại chúng, một tự thuật như Bóng
thực sự có ý nghĩa xã hội đáng ghi nhận. Mục đích của cuốn tự thuật,
như Nguyễn Văn Dũng tâm sự, là muốn đem đến một nhận thức đúng hơn về
người đồng tính: đồng tính không phải là một tình trạng bệnh hoạn, không
phải một sự lạc loài đáng xấu hổ và buộc phải che đậy cả đời. Một trong
những nội dung quan trọng của cuốn sách là việc mô tả quá trình tự ý
thức về giới tính của Dũng. Có lẽ đây chính là điều làm Dũng cảm thấy
hơi tiếc vì anh không thể trực tiếp dùng lời văn để kể lại đời mình, đặc
biệt là diễn biến tâm lý của chính anh. Nhưng câu chuyện của Dũng, ở
chừng mực nào đó, có thể làm trực quan cho những luận điểm không dễ nắm
bắt của thuyết biểu hành giới tính. Cái gọi là “đàn ông”, “nam tính”
trên thực tế là một bảng phân vai gắn liền với những việc phải làm: là
đàn ông, anh phải đảm nhiệm vai của đứa con trai độc nhất trong nhà,
phải có nghĩa vụ kết hôn, có con để nối dõi tông đường; khi đi học, để
hòa nhập với đám con trai, anh phải biết chơi những trò được mặc định là
dành cho con trai, làm những công việc mà thầy giáo bảo là “việc của
đàn ông”; trong một xã hội mà vấn đề an ninh quốc phòng luôn được đề
cao, đến mức quốc phòng còn trở thành môn học trong trường phổ thông,
làm đàn ông nghĩa là còn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, “đàn
ông”, như một tính từ thể hiện đẳng cấp, phải được thể hiện qua khả
năng chinh phục đàn bà. Chính ở câu chuyện về mối quan hệ giữa Dũng với
hai nhân vật nữ tên Hoa và Hương trong cuốn sách, ta có thể thấy được
tính chất bạo lực trong diễn ngôn hàng ngày về “đàn ông”, “nam tính”,
trong đó, đàn bà được xem như một thứ “vật” mà đàn ông cần phải chiếm
đoạt và phô trương để khẳng định đẳng cấp của mình, để được thừa nhận là
đàn ông đích thực. Song bên cạnh đó, thì chính mối quan hệ dị giới này
thực chất cũng chỉ là hình thức chuyển vị những dục cảm đồng giới, như
Dũng thú nhận: “Đêm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi biết đến cơ thể phụ
nữ. Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình lúc đó cảm xúc không trọn vẹn, càng về
sau tôi mới càng nhận ra rằng sự tò mò nhiều hơn sự ham muốn... Lần ấy
đối với tôi thực chỉ là một cách để tôi sĩ diện đem “chiến công” về khoe
với những thằng con trai khác, cũng là cách để tôi che giấu cảm giác
thèm muốn nam giới của mình”; “Dù vậy, có vẫn hơn không, bởi thâm tâm
tôi muốn sở hữu Hương để tự khẳng định mình trước lũ bạn. Như một cách
tự khẳng định rằng dứt khoát tôi là một thằng đàn ông...”(18)
Trong
một xã hội dường như sự thành thực, trước hết là thành thực với chính
mình, dường như đang khan hiếm thì tự thú của Nguyễn Văn Dũng, hay bất
cứ người đồng tính nào qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đều
có ý nghĩa tích cực: nó thể hiện sự can đảm của những người dám sống là
chính mình. Tuy nhiên, tự thuật Bóng, thẳng thắn để nhận xét,
vẫn không thoát khỏi hệ quy chiếu lấy đàn ông, lấy người dị giới làm
trung tâm. Điểm nhìn của cuốn sách, ngay từ chương đầu tiên, đã xác định
là điểm nhìn của nạn nhân. Sẽ là bất nhẫn nếu phê bình điều này vì đó
là thực tế những gì Dũng và những người đồng tính nếm trải. Nhưng điều
quan trọng là nhãn quan nạn nhân ấy mang một màu sắc định mệnh: xuyên
suốt cuốn tự thuật là ám ảnh của nhân vật tình trạng không có tương lai
và sự bất hạnh mà nhân vật coi như số phận của mình cũng là bất hạnh
được chiếu từ điểm nhìn của người dị giới, xem cuộc sống được coi là
bình thường của người dị giới như là khuôn mẫu của hạnh phúc. Bản thân
cuốn tự thuật cũng được kết cấu như một lộ trình mà nhân vật cùng những
người đồng tính như anh cố gắng để được xã hội công nhận giá trị. Và giá
trị đó là giá trị mà những người dị giới tạo ra: “Là người đồng tính
nhưng chúng cháu vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ của công dân với đất nước.
Bản thân cháu đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Rồi chúng cháu cũng vẫn
phải làm những công việc nặng nhọc mà xã hội chỉ định cho nam giới...”(19)
Tự thú đồng tính của Nguyễn Văn Dũng, dù rất ý nghĩa và đáng trân
trọng, vẫn là một tự thú nhiều mặc cảm. Và nhìn rộng ra, mặc cảm ấy là
điều dễ bắt gặp, dễ phát hiện trong văn chương đồng tính Việt Nam. Dòng
văn chương ấy cần thêm sự táo bạo để khiêu khích, để chất vấn các ý niệm
bản chất luận về giới tính: khiêu khích, chất vấn không phải nhằm đến
sự độc tôn theo chiều hướng ngược lại mà để mở ra quan hệ mới, bình đẳng
hơn, tôn trọng nhau hơn giữa các chủ thể trong xã hội.
Văn học đồng tính ở Việt Nam – Hướng tới một dòng văn học thiểu số
Từ
chỗ phải kiếm tìm những hình thức ngụy trang để che giấu chình mình đến
chỗ tự xác nhận giới tính của mình, chứng minh sự thiểu số của mình
cũng bình thường như mọi sự bình thường khác trong đời sống, từ chỗ bị
ấn định bởi sự mô tả của kẻ khác vốn nắm giữ quyền lực của bộ phận đa số
đến chỗ nỗ lực tìm cách để biểu hiện chính mình, dù còn rất loay hoay,
văn học đồng tính ở Việt Nam, nhìn trên bề mặt, đã tiến được một chặng
đường đáng kể.
Tuy
chưa có điều kiện khảo sát kỹ nhưng chúng tôi cho rằng về số lượng, các
tác phẩm văn học được xếp vào dòng “queer” hiện nay khá phong phú. Thậm
chí đã bắt đầu có những tác giả thực sự bắt đầu đi sâu vào mảng đề tài
đồng tính như Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang,... Có những cuốn sách thật sự
ăn khách, gây được sự chú ý của công chúng. Song văn học đồng tính cũng
sẽ bế tắc, cạn kiệt nếu như nó chỉ đối xử với đề tài đồng tính như một
đề tài ăn khách, chứa yếu tố gây tò mò đến mức thể hiện ngay điều này ở
tên tác phẩm như Lạc giới, Điếm trai,... Văn học đồng tính sẽ
bất nhẫn với chính đối tượng đặc thù của mình nếu như nó chỉ muốn kể
những câu chuyện cảm thương hay bông lơn để chiều chuộng độc giả, trong
đó có rất nhiều người chỉ muốn nhìn người đồng tính như những kẻ yếu
đuối, cô độc, yếm thế hoặc như những kẻ thái quá, gây cười, gây lố. Văn
học đồng tính ở Việt Nam hiện nay, bất chấp diện mạo có vẻ phong phú,
lại dễ gây định kiến về tính chất “ghetto” của nó: đó là dòng văn học
của/về một cộng đồng thiểu số.
Nhưng
nhận xét trên dường như mâu thuẫn với chính cách đặt vấn đề ở phần này
của bài viết. Ý niệm “thiểu số” ở đây được chúng tôi tiếp thu từ Gilles
Deleuze và Félix Guattari trong công trình nghiên cứu của hai ông về văn
chương của Franz Kafka: Kafka – vì một nền văn học thiểu số.
Theo đó, văn chương thiểu số không đồng nhất với văn chương của một cộng
đồng thiểu số hay được viết bằng một thứ ngôn ngữ thiểu số. Đó là thứ
văn chương nằm ngoài dòng chính, nó luôn ở trong quá trình trở thành khác,
nó chối từ sự đóng đinh vào những quy phạm mặc định, những định nghĩa
hoàn tất, nó làm lung lay độ rắn chắc của những đối lập nhị phân trong ý
thức văn hóa, nó làm phát huy sự phong phú, dị biệt vốn có trong ngôn
ngữ. Văn chương thiểu số, như thế, rõ ràng là một thứ văn chương
“queer”, nếu ta nhớ rằng từ “queer” trong tiếng Anh vốn có nghĩa gốc là
sự lệch chuẩn, lệch pha so với những chuẩn mực được kỳ vọng, mong đợi.
Thứ văn chương thiểu số ấy, theo Deleuze và Guattari, là thứ văn chương
của tương lai.
Viết, với Gilles Deleuze, là sự trở thành khác (becoming other), là sự khai thông những khả thể khác của sự sống(20).
Khi viết, người ta trở thành đàn ông, đàn bà nhưng không phải như là
những hình mẫu đã mặc định, mà là những đàn-ông-khác, đàn-bà-khác. Suy
diễn mệnh đề này của Deleuze, quá trình viết cũng rất có thể là quá
trình trở thành “queer” của chủ thể viết. “Queer”, lúc này không còn là
một cái gì nhược tiểu, mặc cảm nữa: quá trình “queer” hóa giải cấu trúc
độ rắn, tính xác định của những ý niệm sẵn có về giới, giải phóng áp lực
về giới lên sự viết, lên ngôn ngữ, và rộng hơn, là giải phóng áp lực
của các chuẩn mực, các quy phạm, cho phép con người thể nghiệm những gì
bên ngoài khuôn khổ thông thường. “Queer” hóa sự viết cũng chính là cách
để hình thành chủ thể tự do, những cách biểu đạt tự do.
Trở
lại với trường hợp văn chương của các “nhà nho lại cái” thế kỷ XVIII.
Khi nhập vào vai nữ để giãi bày, tự sự nỗi lòng của mình, họ đã thể
nghiệm việc trở thành phụ nữ. Nhưng không phải là phụ nữ theo ý niệm
chính thống của Nho giáo mà là một mẫu phụ nữ khác: táo bạo, quyết liệt,
cá nhân. Điều này cũng gắn với việc họ tìm kiếm những khả năng biểu đạt
mới cho thơ Nôm, biến thơ Nôm thành không gian cho phép cất lời những
điều mà thơ chữ Hán vốn không sẵn chữ để biểu đạt, biến thơ Nôm thành
một thứ “văn học thiểu số” theo đúng nghĩa mà Deleuze giới thuyết. Thơ
Nôm bị “queer” hóa, nói theo chữ chúng ta đang dùng, cũng có nghĩa là nó
trở nên khoáng đạt hơn, gợi cảm hơn, sắc dục hơn. Và khi các nhà nho
“queer” hóa chính họ thì đồng thời sáng tạo của họ cũng tạo ra những kẽ
hở để giải tỏa áp lực, định kiến đối với chính bản thân phụ nữ. Xuân
Diệu sau này cũng đã “queer” hóa tiếng Việt, tạo ra một lớp ngôn ngữ
uyển chuyển, vừa giúp ông bộc lộ dục cảm đồng giới, vừa khéo léo che đậy
chứ không vùi dập chúng, nhất là ở thời kỳ nói như Chế Lan Viên: Khi đứng riêng tư ta thấy mình xấu hổ.
Văn
học đồng tính ở Việt Nam (đến lúc này thực sự chúng tôi muốn gọi nó là
văn học “queer” hơn) có lẽ cũng đến lúc phải tự giải phóng những giới
hạn của mình. “Queer” không chỉ là một đề tài, một đối tượng ngoại biên
cần được nhận thức, mô tả - điều này, tất nhiên, vẫn rất cần thiết trong
bối cảnh Việt Nam. Nhưng hoàn toàn có thể đặt vấn đề khác: “queer” như
một cái nhìn, một lập trường, một thế giới quan không ngừng “tra vấn bất
cứ những cái bình thường hay chuẩn mực được mặc định, vốn dĩ không có
quyền lực nội tại nào”(21). Một thế giới quan như thế thực
chất có không ít ưu thế, nó cho phép con người có nhiều lựa chọn hơn.
Điều đó cũng có nghĩa là ta tự trao cho ta nhiều tự do hơn. Để sống. Và
để sáng tạo.
Cũng
đã có thể nhận ra một số tác phẩm thể nghiệm một tinh thần “queer” như
thế trong văn học Việt Nam đương đại, dẫu chưa thật nhiều. Chúng tôi
nghĩ đến trường hợp của Nguyễn Thúy Hằng. Không cần dùng văn chương để
ngụy trang dục cảm, cũng không phải viết để tự thú, biện hộ cho mình,
Hằng viết bằng một thứ ngôn ngữ có xu hướng trở nên trung tính hóa, trở
nên phi trữ tình, phi xác định về thể loại: một thứ văn chương hóa lỏng.
Ở đó, Hằng, nhân vật của Hằng lãnh đạm và tự tại quan sát mình, quan
sát thế giới để thấy tất cả không là một cái gì định hình, rắn chắc. Tất
cả đều chỉ là một thứ “bột hư ảo”. Rất đỗi mong manh, rất dễ tan rã:
nằm giữa một bầy xin lỗi và tái nhợt
nằm giữa loại áo choàng phụ nữ
cái
giường đơn: tôi và người phụ nữ ấy bay lên không trung. chạm vào trần
nhà, tôi mắc kẹt trên ấy - tôi bị đuổi khỏi chỗ tôi nằm. tôi trở thành
trần nhà. người phụ nữ là loài thạch sùng bò lạnh ngắt trên da: họ bám
vào tôi, ngủ mơ, dai, thật dai...
dưới lá ẩm phủ phục
chúng tôi nằm hôn nhau
lâu
rất lâu
thân thể
lúc ấy
mối mọt
lúc ấy
mủ mục
lúc ấy
cơn dông từ xa đột ngột trở xám
rừng rậm
già đi cả
rừng rậm
mọc thật dày cánh tay khẳng khiu
rồi đây
chúng tôi chỉ là nhúm bột
hư ảo
mà thôi(22)
Không
khắc khoải yếm thế về tương lai, Nguyễn Thúy Hằng chỉ lặng nhìn từng
khoảnh hiện tại li ti, vụn vỡ, mong manh. Tác phẩm của Hằng nghiệm sinh
cái mong manh đó với một tâm thế hiện sinh nhẹ nhõm. Cũng như Xuân Diệu
trước kia đã nhìn thấy ở mối tình trai giữa Rimbaud và Verlaine một thái
độ hiện sinh bất cần: “Không cần mặc cả họ yêu nhau”. Và tinh thần hiện
sinh ấy cũng là điều toát lên từ các diễn ngôn lý thuyết đồng tính. Khi
Jeffrey Nealon và Susan Searls Giroux khái quát về lý thuyết “queer”
bằng luận điểm: “Sự thật, thậm chí ngay cả sự thật về giới tính, phụ
thuộc vào các hành động, hành vi hơn là ngược lại. Bạn là ai là hệ quả
của việc bạn làm gì”(23), ta không khỏi nhớ đến mệnh đề nổi
tiếng của Jean-Paul Sartre rằng không có bản chất nào có trước hiện hữu.
Ý thức hiện sinh ấy, thiết nghĩ, rất cần cho sự giải phóng của văn học
đồng tính ở Việt Nam khỏi chính những giới hạn mà nó đang tạo ra và quẩn
quanh trong đó.
T.N.H
Nguồn: Viện Văn học
__________________
1 Christopher Isherwood: Người cô độc, Trần Nguyên dịch, Youth Book & NXB Hội Nhà văn, H., 2012, tr.91.
2 Tony Purvis: “Sexualities”, in Patricia Waugh ed.: Literary Theory and Criticism: An Oxford Guide, Oxford University Press, 2006, tr.438.
3 Tony Purvis: “Sexualities”, Sđd, tr.435.
4 Jefrey Nealon, Susan Searls Giroux: “Queer”, in The Theory Toolbox: Critical Concepts for the Humanities, Arts & Social Sciences, Rowman & Littlefield Publishers, 2003, tr.170.
5 Jeffrey Nealon, Susan Searls Giroux: “Queer”, tr.174.
6 Tạ Chí Đại Trường: Sử Việt đọc vài quyển, Nxb. Văn mới, California, tr.63. Chúng tôi trích theo bản PDF tại địa chỉ: http://www.vietnamvanhien.net/suvietdocvaiquyen.pdf
7 Tạ Chí Đại Trường: Sử Việt đọc vài quyển, Sđd, tr.67-68.
8 Nguyễn Thanh Tùng, “Hiện tượng biến đổi giới trong văn học trung đại – Một vài nhận xét”, Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=10838
9 Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư,
Đào Duy Anh dịch, Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Hồng
Bàng, 2012, tr.83. Có lẽ sự lệch chuẩn mang màu sắc “queer” của hình
tượng Bà Triệu qua cách tái hiện của sách Giao Chỉ ký đã hình
thành nên định kiến của các sử gia sau này khi bình luận về nhân vật
này. Chỉ cần so sánh với cách sử gia phong kiến đánh giá về Bà Trưng,
người được xem là dấy quân khởi nghĩa chống lại nhà Hán để vừa trả nợ
nước vừa báo thù nhà, ta có thể thấy rõ định kiến đó. Ngô Thì Sĩ trong
sách Đại Việt sử ký tục biên đã bình luận: “Chỉ vì chồng mà căm
phẫn, em vì chị mà cố gắng, tiết phụ nghĩa nữ ở cả trong một nhà, đó
mới là lạ... Từ khi bà Nữ Oa luyện đá vá trời về sau, chỉ có chị em nhà
họ Trưng mà thôi. Còn tẹp nhẹp như Triệu Ẩu, Trần Thạc Trinh thì kể làm
gì (đời Đường Cao Tông, con gái châu mục là Trần Thạc Trinh làm phản, tự
xưng là Văn Giai hoàng đế)” (Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký tục biên, Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Hồng Bàng, 2012, tr.90).
10 Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Ngô Thế Long dịch, NXB Trẻ & NXB Hồng Bàng, 2012, tr.225.
11 Tạ Chí Đại Trường: Sử Việt đọc vài quyển, Sđd, tr.63.
12
Xin xem Nguyễn Quốc Vinh: “Những nhục thể biến dị và các động thái
chuyển vị của dục cảm đồng tính trong văn chương Việt Nam từ và về thời
Pháp thuộc (1858-1954), Đỗ Lai Thúy: “Đáp lời con quái Sphinx hay ngọn
nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu”, trong Bút pháp của ham muốn, NXB Tri thức, H., 2009.
13
Xem thêm:Nguyễn Quốc Vinh: “Những nhục thể biến dị và các động thái
chuyển vị…”, Bđd; Đỗ Lai Thúy: “Đáp lời con quái Sphinx hay ngọn nguồn
sáng tạo thơ Xuân Diệu”, Sđd.
14 Xuân Diệu: Tuyển tập (Tập II), NXB Văn học, 1987, tr.53.
15 Đỗ Lai Thúy: “Đáp lời con quái Sphinx hay ngọn nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu”, Sđd, tr.230, 231, 249.
16 Tô Hoài: Cát bụi chân ai, NXB Hội Nhà văn, H., 2000.
17 Dẫn theo Đỗ Lai Thúy: “Đáp lời con quái Sphinx hay ngọn nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu”, Sđd, tr.232.
18 Đoan Trang, Hoàng Nguyên: Bóng – tự truyện của một người đồng tính,
NXB Văn học, 2008 (Tuy nội dung của nó là tự truyện của Nguyễn Văn Dũng
nhưng bìa sách lại ghi tên tác giả là Đoan Trang và Hoàng Nguyên).
19 Đoan Trang, Hoàng Nguyên: Bóng…, Sđd.
20 Gilles Deleuze, “Literature and Life”, bản dịch tiếng Anh của Daniel W. Smith và Michael A. Greco, in trong Critical Inquiry, Vol.23, No.2, (Winter, 1997), trang 225-230. Có thể đọc bản dịch sang tiếng Việt của Hải Ngọc tại địa chỉ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=7132
21 Claire Colebrook: “On the Very Possibility of Queer Theory”, in Chrysanthi Nigianni và Merl Storr ed.: Deleuze and Queer Theory, Edinburg University Press, 2009, tr.12.
22 Nguyễn Thúy Hằng: Họ - Bột hư ảo, Nhã Nam & NXB Văn học, 2012.
23 Jefrey Nealon, Susan Searls Giroux: “Queer”, Sđd, tr.174.