Chuyên khảo của Churchman tập
trung vào các vùng núi giữa hai khu vực đồng bằng châu thổ Sông Hồng và châu
thổ Châu Giang trong giai đoạn từ khoảng cuối triều Hán cho đến thời cai trị
của nhà Đường... (Liam Kelley)
Tác giả: Liam Christopher Kelley
Năm 1976, Edward Schafer công bố
cuốn sách về “Phương Nam” trong hình dung của Trung Hoa thời trung đại với tựa
đề “Chu Tước: Những Ý niệm của Nhà Đường về Phương Nam”. Chứa đựng nhiều chi
tiết lý thú về vạn vật từ cây cỏ đến con người, công trình của Schafer minh
chứng cho sự bao la và giàu có thông tin của thư tịch cổ Trung Quốc về vùng đất
mà nay là các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, cũng như khu vực phía bắc và một
phần Bắc Trung Bộ Việt Nam, trong thiên niên kỷ thứ nhất sau Tây lịch.
Tuy vậy, nếu tập trung vào khía
cạnh người Trung Hoa đã quan niệm như thế nào về vùng đất phía nam, thì cuốn
“Chu Tước” đồng thời lại không phải công trình lý tưởng để kiếm tìm một cái cảm
giác về những gì đã thực sự diễn ra ở vùng đất đó trong suốt quãng thời gian
nghiên cứu. Đây là khoảng trống mà công trình năm 1983 của Keith Taylor, “Việt
Nam khai quốc”, đã bù lấp một phần, khi cuốn sách này đã cung cấp một tường
thuật chi tiết về lịch sử của Đồng bằng Sông Hồng, một phần của không gian
nghiên cứu rộng lớn hơn mà cuốn “Chu Tước” bao quát, từ những thời kỳ sớm nhất
suốt cho đến giai đoạn Thuộc Đường.
Một đóng góp quan trọng khác nhằm
phác dựng một bức họa về lịch sử sớm của vùng đất Phương Nam này xuất hiện vào
năm 1997, khi Charles Holcombe xuất bản một bài nghiên cứu với tựa đề “Xa về
phía Nam Đế chế Cổ Trung Hoa: Những vùng đất Việt dưới thời Đường” (Tạp chí
Nghiên cứu thời Đường, số 15-16 [1997-1998], tr. 125-157).
Cái mà Holcombe thực chất thảo
luận trong bài viết này là ở thiên niên kỷ I SCN, Hà Nội [nên hiểu là Châu thổ
Bắc Bộ Việt Nam, với trung tâm là Tống Bình - Đại La] và Quảng Châu [vùng Hạ
lưu Sông Tây, khu vực Quảng Đông, với Guangzhou/Canton/Quảng Châu là trung tâm
- ĐTTL] dường như đã là hai ốc đảo Hán hóa, chia sẻ với nhau nhiều điểm tương
đồng, hơn là với các khu vực khác kề cận. Holcombe cũng tranh luận rằng trong
suốt giai đoạn này, thương mại đã tập trung hơn tại Quảng Châu [tức là hơn so
với các thời Hán - Tùy và Đường Sơ trước đó, nhưng điểm này thì lại hơi khác so
với kết luận của Wang Wungwu 1958 trong “Nanhai Trade” - ĐTTL] và điều đó đã
làm cho khu vực Đồng bằng Sông Hồng trở thành vùng ngoại biên của thế giới
Trung Hoa trong thời gian trị vì của nhà Đường.
Điều hữu ích không kém là từ 3
nghiên cứu này đã đặt ra vấn đề phải tìm hiểu những khía cạnh khác nhau về lịch
sử sớm của khu vực trải dài từ Trung Bộ Việt Nam hiện đại đến tỉnh Quảng Đông,
Trung Quốc, để thực sự đạt được một hiểu biết vững chắc về lịch sử của khu vực
này, và điều đó đòi hỏi một công trình tổng hợp dày dặn, có thể đặt nghiên cứu
chi tiết của Taylor về Đồng bằng Sông Hồng trong bối cảnh rộng lớn hơn, cộng
với bổ sung những tri thức tỉ mỉ tương xứng về lịch sử vùng Quảng Đông và Quảng
Tây đương thời; một công trình sẽ khảo cứu về vùng đất ở giữa Hà Nội và Quảng
Châu - cái mà Holcombe đã không thảo luận; và một công trình sẽ khám phá cái
cách mà các sản vật tự nhiên phong phú được khảo cứu trong cuốn của Schafer đã
gắn kết như thế nào với diễn tiến lịch sử của vùng đất này.
May mắn cho tất cả chúng ta,
những ai quan tâm đến lịch sử sớm của vùng đất đó, một công trình tổng thể như
vậy vừa được hoàn thành. Đó là cuốn “Các Tộc người giữa Tây Giang và Nhị Hà: Sự
Trỗi dậy và Lụi tàn của một nền Văn hóa Trống đồng từ thế kỷ III đến giữa thế
kỷ VIII sau Công nguyên” (Rowman & Littlefield, 2016).
Chuyên khảo của Churchman tập
trung vào các vùng núi giữa hai khu vực đồng bằng châu thổ Sông Hồng và châu
thổ Châu Giang trong giai đoạn từ khoảng cuối triều Hán cho đến thời cai trị
của nhà Đường.
Nhóm người sinh sống ở vùng đất
này được các học giả Trung Hoa cổ đại gọi là các dân tộc “Lí” (俚) và “Lão” [hay “Liêu”] (獠), hoặc
chung chung hơn là “rợ”, là “man” hoặc “di”. Thực chất, nói khác đi, các cộng
đồng này khác biệt lớn so với các nhóm dân tộc ở lưu vực Hoàng Hà, và không dấu
hiệu khác biệt nào rõ hơn là các di vật trống đồng loại Heger II được người Lí
- Lão đúc từ khoảng thế kỷ II-III cho đến quãng thế kỷ VIII SCN, thời điểm mà
các xã hội tách biệt của họ cuối cùng cũng bị sáp nhập vào đại vương quốc nhà
Đường
Churchman chứng minh bằng tư liệu
một lịch sử của sự trỗi dậy cũng như lụi tàn của các chính thể Lí và Lão trong
suốt giai đoạn này, và trong quá trình đó, tác giả cuối cùng cũng viết lại được
lịch sử của một vùng rộng lớn hơn, đặc biệt là lớn hơn cái không gian thường
được các sử gia Việt Nam hiện đại miêu tả.
Vậy thì lịch sử đó là gì? Để tối
giản kết quả nghiên cứu giàu tư liệu và chi tiết của Churchman, tôi có thể tóm
lược nó như sau:
Các vương triều Tần và Hán đã
bành trướng thế lực của mình về phía nam cho đến đồng bằng Châu Giang và châu
thổ Sông Hồng [Nhà Hán xuống đến đất Lạc Việt (Bắc và một phần Bắc Trung Bộ
Việt Nam), nhà Tần xuống Lưỡng Quảng, nhưng quân đội Tần có đi xa hơn Quảng Tây
hay không thì chưa thể khẳng định được - ĐTTL]. Trong quá trình đó, các triều
đại này đã bỏ qua một vùng thượng du khá lớn ở giữa hai lưu vực sông, và sau
khi nhà Hán sụp đổ, không một vương triều nào đủ mạnh để có thể kiểm soát trực
tiếp vùng đất đó, cho đến thời Đường.
Dẫu thế, điều này không có nghĩa
là vùng đất giữa hai con sông vẫn còn bị cô lập. Thay vào đó, những gì
Churchman chứng minh cho thấy, trong khu vực này, cũng trong khoảng thời gian
ấy, đã tồn tại những xã hội, mà những chính thể này lại ngày càng trở nên hùng
mạnh thông qua tương tác với các nhà nước Hán tộc khác nhau. Cụ thể, bằng việc
chấp nhận các danh hiệu danh nghĩa do các vương triều Trung Hoa sắc phong, các
thủ lĩnh địa phương đã đạt được đặc quyền thương mại mà thông qua đó, họ có
trong tay của cải và nguồn lực để có thể mở rộng lãnh địa của mình.
Trong khi vùng đất này kết cục
thì cũng đã bị sáp nhập vào đế chế Trung Hoa, bằng các cuộc xâm chiếm bình định
cũng như quá trình bành trướng chính trị lâu dài, thì trọng tâm của Churchman
là khảo cứu một sự phát triển rất khác diễn ra trước cái kết cuối cùng ấy. Đó
là sự nổi lên và mở rộng của các xã hội người Lí 俚 và người
Lão 獠.
Trong khi đó là ý tưởng xuyên
suốt của câu chuyện lịch sử bao quát mà Churchman thể hiện, thì vẫn còn nhiều
vấn đề khác mà tác giả đề cập đến cũng làm giàu thêm tri thức của chúng ta về
lịch sử của không chỉ vùng đất giữa hai sông mà còn về lịch sử của chính hai
vùng trung tâm là Đồng bằng Châu Giang và Châu thổ Sông Hồng.
Đầu tiên và trên hết, tác giả đã
dụng công tuyệt vời trong việc lý giải xem chúng ta nên hiểu các khái niệm như
“Lí” và “Lão” như thế nào. Trong khi nhiều học giả nhìn nhận các tên này như là
các nhóm được định danh về tộc người và ngôn ngữ, Churchman chứng minh rằng
chúng như là chỉ dấu cho sự liên tục được công nhận về chính trị. (Cuốn sách
gần đây về Việt tộc của Erica Fox Brindley cũng giải quyết vấn đề theo cách
tương tự đối với khái niệm “Việt” (Yue) 越).
Nói một cách dễ hiểu về thảo luận
khá phức tạp của Churchman, có thể nôm na là: những cộng đồng sống ngoài cái
thế giới của sự cai trị Trung Hoa thì là “Lão”, còn những nhóm người bị cuốn
hoàn toàn vào cái thế giới cai quản đó mới là “Người” 人 (Tiếng
Trung là “Ren”, tiếng Việt là “Nhân”), và các tù trưởng địa phương những ai
chấp nhận chức danh do chính quyền Trung Quốc sắc phong thì là “Lí”.
Một lần nữa, đây là sự đơn giản
hóa thảo luận của Churchman về vấn đề này, nhưng điểm quan trọng là sự phân
biệt giữa “Lí” và “Ren/Nhân/Người” là không rạch ròi khi những dân tộc bản địa
tham dự vào hệ thống chính quyền Trung Hoa lại cư trú ở những không gian cũng
không rõ ràng. Và để chứng minh cho điều đó, Churchman đã đưa ra một số ví dụ
xác đáng cho thấy việc cùng một nhân vật mà các tài liệu khác nhau lại nhắc đến
với các vai trò cũng khác nhau, từ “Lí” cho đến “Man tù trưởng”, đến “Người”,
đến một chức danh mà chính quyền Trung Quốc gần địa phương đó đã phong tặng cho
ông ta.
Bổ sung cho sự nhập nhằng này là
việc cách thức cai trị của chính quyền đô hộ Phương Bắc đối với vùng đất Phương
Nam thực tế cũng thay đổi theo thời gian. Cụ thể, theo cách thức của giai đoạn
Hán thuộc, nhiều quan chức Trung Hoa thực chất đã trở thành những quý tộc thế
tập địa phương, trong khi khá nhiều nước trong thời kỳ Lục triều (giữa Hán và
Đường) lại vừa không có nguồn lực vừa tồn tại quá ngắn ngủi để có thể phái
người đi quản lãnh vùng đất Phương Nam này. Và kết quả là các tiểu quốc Hán tộc
đã chọn cách đơn giản là chuẩn y, duy trì chức phận của các nhân vật đã nắm giữ
khu vực này từ trước đó. [Như một số trường hợp ở Giao Châu như Sĩ Nhiếp từ Hán
qua Ngô; Đào Hoàng từ Ngô qua Tấn… - ĐTTL]
Như vậy, ở một chừng mực, đã
không hề có khác biệt lớn giữa các quan trấn trị thế tập người Hán ở Phương Nam
với những thủ lĩnh cha truyền con nối người Lí, mà thủ lĩnh Lí đã thay mặt
chính quyền Hán tộc cai quản cả một vùng núi non rộng lớn. Tuy vậy, ở một cấp
độ khác, thực tiễn việc các thủ lĩnh Lí đó vẫn tiếp tục đúc trống đồng, dấu
hiệu của quyền lực chính trị và tính chính thống của họ, lại là một chỉ dẫn cho
thấy những khác biệt thực chất đã tồn tại.
Xu hướng cai trị bằng các quan
chức thế tập cuối cùng cũng chấm dứt ở châu thổ Châu Giang khi các nhà nước Hán
tộc, như là triều Lương (502-587) chẳng hạn, đã cử người của mình, là quan chức
hoặc thành viên hoàng gia, đi tiếp quản các chức vụ trấn trị khu vực đó. Tuy
nhiên, ở Đồng bằng Sông Hồng thì xu hướng cũ vẫn tiếp diễn.
Cho dù lịch sử khu vực Đồng bằng
Sông Hồng không phải là trọng tâm trong chuyên khảo của Churchman, tác giả vẫn
đưa đến khá nhiều điểm quan trọng về lịch sử vùng đất đó, và khi xâu chuỗi các
luận điểm đó lại ta có thể thấy đầy đủ một cách nhìn khác về lịch sử vùng đất,
khá thách thức với cách tường thuật của các nhà sử học Việt Nam trong thế kỷ
XX, cũng như với những gì được trình diễn trong công trình “Việt Nam khai quốc”
của Keith Taylor năm 1983.
Câu chuyện lịch sử mà sử gia Việt
Nam hiện đại và Taylor thời điểm 1983 chủ trương là, đã có một xã hội, văn hóa
và ngôn ngữ riêng, rõ rệt ở Đồng bằng Sông Hồng trước khi các đế chế Tần và sau
đó là Hán bành trướng xuống khu vực này, và rằng trong cả nghìn năm, hậu duệ
của xã hội đó, của nền văn hóa - ngôn ngữ đó, đã kháng cự lại sự cai trị của
người Trung Quốc, và cuối cùng cũng giành lại được “nền độc lập” của mình.
Cuốn “Một Lịch sử của người Việt
Nam” gần đây của Taylor (2013) lại đưa đến một nhận thức rất khác về lịch sử
thời đoạn này, bằng lập luận cho rằng dân tộc mà ngày nay chúng ta cho là
“người Việt Nam”, qua vô vàn cách khác nhau, chính là sản phẩm của 1000 năm gắn
kết vào các đế chế Phương Bắc. Churchman không bàn về vấn đề biến đổi văn hóa
xã hội ở Đồng bằng Sông Hồng đó, nhưng bằng việc thảo luận về khu vực này cùng
với khu vực Châu thổ Sông Châu và vùng đất kẹp giữa Nhị Hà và Tây Giang, tác
giả đã làm rõ rằng những gì xảy ra ở Châu thổ Bắc Bộ Việt Nam không phù hợp với
cái đặc tính của một vùng “đầy kháng cự” như vốn đã và đang được khái quát.
Trong thực tế, Churchman minh
chứng khá rõ rằng cái câu chuyện duy trì sự khác biệt văn hóa và chống đối lại
chính quyền đô hộ Trung Hoa lại phù hợp hơn cho những vùng đất ở giữa Sông Hồng
và Sông Châu, hơn là áp cho khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.
Cho dù sự riêng biệt về văn hóa
và xã hội có thể đã tồn tại ở Châu thổ Sông Hồng đi chăng nữa, thì cái bản sắc
đó cũng kết thúc khá đột ngột như việc ngừng đúc trống đồng Đông Sơn và khi khu
vực này đã trở nên tương đối yên ổn sau khi Mã Viện đàn áp khởi nghĩa Hai Bà
Trưng vào thế kỷ I SCN.
Ngược lại, vài thế kỷ tiếp theo,
một thế giới văn hóa trống đồng vẫn tiếp tục ngự trị tại các vùng thượng du
phía bắc của Châu thổ Sông Hồng, mà các tộc người Lí và Lão đã chứng tỏ bản
tính bất trị của mình đậm nét hơn các cộng đồng kề cận ở phía nam.
Cuối cùng, Churchman đã làm rõ
rằng, cho đến thời Đường, Đồng bằng Sông Hồng đã trở nên xa cách và được đặt ra
ngoài rìa mối quan tâm của các vương triều Trung Quốc. Cải tiến trong kỹ thuật
đóng tàu đã tạo điều kiện cho các tàu thuyền viễn dương có thể tiếp cận trực
tiếp Quảng Châu thay vì bám sát đường duyên hải [Bắc Việt Nam và Đông Nam Trung
Quốc - ĐTTL] và dừng chân tại Vịnh Bắc Bộ như đã làm trong suốt thời Hán trước
đó.
Hơn nữa, vì chẳng nỗ lực thay thế
các quan chức Trung Quốc thế tập tại vùng này, không giống như những gì diễn ra
ở Châu Giang, nên “nền độc lập” của Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam vào thế kỷ X có
thể được nhìn nhận chân xác hơn, là kết quả của sự phớt lờ từ Đế chế Phương
Bắc, hơn là sự biểu hiện của một ý chí chung.
Trong khi cá nhân tôi thấy là
việc mô tả thời kỳ Bắc thuộc của Đồng bằng Sông Hồng như vậy là đúng đắn, và
trong khi khảo cứu chi tiết của Churchman về sự nổi lên và tàn lụi của các
vương quốc trống đồng trong vùng đất giữa hai sông là khá rõ ràng và thuyết
phục, một câu hỏi rõ ràng và cốt yếu vẫn còn đặt ra cho chúng ta. Đó là: thế
thì những gì đã xảy đến với vương quốc hoặc các vương quốc trống đồng trước đó
của Châu thổ Bắc Bộ?
Cuốn sách mới xuất bản của nhà
khảo cổ học Nam C. Kim về thành cổ Cổ Loa (“Nguồn gốc Việt Nam Cổ đại”, Nxb.
Đại học Oxford, 2015) đã làm rõ rằng có một vương quốc hùng mạnh ở Đồng bằng
Sông Hồng vào thiên niên kỷ I TCN. Churchman thì chia sẻ với tôi qua email rằng
cô ý nghĩ là việc kiểm soát một nhà nước rộng lớn ở đồng bằng châu thổ, sau khi
loại bỏ hoặc chinh phục các thủ lĩnh cai trị nó, có thể đã dễ dàng hơn việc cố
gắng bình định đông đảo các chính thể ở vùng núi.
Thực vậy, đây là khía cạnh trung
tâm trong lập luận của Churchman về các tiểu quốc trống đồng trong vùng đất
giữa hai sông đó - bởi vì những vương quốc này trở nên rộng lớn hơn, rồi liên
kết chặt hơn với các đế chế Trung Hoa, chúng thực chất đã trở nên dễ chinh phục
hơn và sáp nhập hoàn toàn vào đế chế một khi đế chế Trung Quốc có đủ tiềm lực
quân sự cho việc đó.
Điều này lại nhắc tôi nhớ đến một
đoạn tư liệu nổi tiếng của Lịch Đạo Nguyên trong sách “Thủy kinh chú” vào thế
kỷ VI SCN, trong đó, tác giả trích dẫn thư tịch sớm hơn là “Giao Châu ngoại vực
ký” viết về Đồng bằng Sông Hồng. Đoạn tư liệu đó viết:
“Giao Chỉ ngày xưa, lúc chưa có quận huyện, vùng đất này đã có ruộng Lạc. Ruộng này theo sự lên xuống của nước lũ, dân khai khẩn ruộng này để trồng cấy, vì thế được gọi dân Lạc. Đặt ra Lạc vương và Lạc hầu để trông coi các quận huyện. Ở nhiều huyện có Lạc tướng. Lạc tướng có ấn đồng [treo trên] dải xanh”.
Trong thời gian dài, tôi đã cố
gắng hiểu được đoạn thông điệp này, bởi nó ngụ ý mô tả về vùng đất này trước
khi nó được đặt “quận và huyện”, tức là “trước khi vùng đất này được đặt dưới
sự cai trị của ‘Trung Quốc’’”, và tiếp sau, đoạn văn viết về những người kiểm
soát các huyện và rằng họ có được các công cụ biểu tượng cho nền cai trị “Trung
Quốc” đó - là ấn đồng và dải xanh.
Nếu đây là sự thực về thời kỳ
trước khi Tần - Hán cố kiểm soát vùng này, vậy thì tại sao các thủ lĩnh bản địa
lại không có trống đồng nhỉ?
Trong khi Churchman không tranh
luận về điểu này trong cuốn sách của cô ấy, thì bằng thảo luận về các vương
quốc trống đồng ở giữa hai con sông lớn đó, tác giả lại chỉ ra rằng một trong
những hình thức cai trị gián tiếp của Trung Hoa đối với vùng đất là việc thiết
lập cái mà Churchman gọi là “các tả huyện” (zuoxian 左縣), hoặc
cũng có thể gọi là “các huyện phụ quách” (subsidiary districts).
Đã có những huyện thực tế được
đặt dưới sự kiểm soát của các thủ lĩnh địa phương (người Lí hoặc Lão), nhưng về
danh nghĩa được công nhận bởi người cầm quyền Hán tộc từ một huyện được thiết
lập chính thống ở gần bên.
Vậy thì bằng cách nào mà những kẻ
thống trị Trung Quốc có thể biểu thị việc đang công nhận một thế lực địa phương
là huyện phụ trợ của hắn? :PBằng việc ban cho thủ lĩnh bản địa đó một ấn đồng treo trên
dải băng xanh (hoặc nói chung là một cái ấn và một dải khăn).
Nói cách khác, tư liệu sớm nhất
mà chúng ta có được về Đồng bằng Sông Hồng xem ra không phải là về thời kỳ
trước khi vùng đấy được đặt dưới sự cai trị của Phương Bắc mà là về thời gian
trước khi khu vực này trở thành địa hạt cai quản “hoàn toàn” hoặc “trực tiếp”
của Trung Hoa.
Như Churchman lý giải trong sách
của mình, trong suốt nửa sau triều Hán, những nỗ lực [thiết lập cai trị trực
tiếp] đó được giới cầm quyền nhà Hán tiến hành, và tác giả cho rằng khởi nghĩa
Hai Bà Trưng có thể đã là một phản ứng chống lại những tham vọng cải biến từ
cai trị gián tiếp sang cai trị trực tiếp đó.
Cuộc nổi dậy cuối cùng tất bị đàn
áp, và từ thời điểm đó trở đi không mấy bằng chứng cho thấy sự hiện diện của
thế giới các vương quốc trống đồng, của các thủ lĩnh trống đồng hoặc nền văn
hóa trống đồng ở Châu thổ Bắc Bộ Việt Nam. Thay vào đó, vùng đất ở giữa Sông
Hồng và Sông Châu lại chính là nơi thế giới trống đồng ấy được tiếp diễn và
triển nở, như Churchman đã khéo léo chứng minh.
Kết luận lại, tôi có thể viết
nhiều hơn về cuốn sách này, cũng như về những ý tưởng được truyền cảm hứng từ
cuốn sách, đủ để nói lên rằng nhận thức của chúng ta về lịch sử giai đoạn sớm
của khu vực trải dài từ Trung Bộ Việt Nam ngày nay đến các tỉnh Quảng Tây và
Quảng Đông của Trung Quốc đã tiến được một bước xa nhờ công trình của Catherine
Churchman.
“Các Tộc người giữa Tây Giang và Nhị Hà: Sự Trỗi dậy và Lụi tàn của một nền Văn hóa Trống đồng từ thế kỷ III đến giữa thế kỷ VIII sau Công nguyên” là một tác phẩm lớn, uyên bác và sâu sắc, đã cung cấp khung phân tích tổng thể sáng rõ cho một giai đoạn mấy thế kỷ của lịch sử khu vực, cũng như những thảo luận sắc nét về rất nhiều các vấn đề cơ bản, tảng nền, từ giải quyết vấn đề các khái niệm “Hán hóa” và “Sắc tộc” đến việc phác dựng các mô hình thương mại giữa Đồng bằng Sông Hồng với Nam Trung Quốc. Đó thực sự là một kiệt tác.
PS: Catherine
Churchman, với bút danh Michael Churchman được biết đến trong giới học thuật
Việt Nam bằng một chương trong cuốn Vịnh Bắc Bộ (2011), cũng như bài nghiên cứu
có thể tiếp cận trên weblink: https://chl-old.anu.edu.au/sites/csds/csds_toc2010.php