Bách Việt và sự thiếu vắng sử học hậu thuộc địa ở Việt Nam

Bách Việt và sự thiếu vắng sử học hậu thuộc địa ở Việt Nam
By Le Minh Khai
Người dịch: Hoa Quốc Văn


Không lâu sau khi nhiều dân tộc bị thuộc địa toàn cầu giành được độc lập ở giữa thế kỉ XX, một số học giả bắt đầu lưu ý rằng nhiều nhiều cách chủ nghĩa thực dân vẫn tồn tại, và rằng nơi nó vẫn tồn tại là trong đầu óc người ta. Mặc dù người dân đã được tự do về chính trị, nhưng đầu óc họ vẫn bị thuộc địa.


Trong suốt kỉ nguyên thuộc địa, những kẻ thực dân bắt kịp với những ý tưởng về dân thuộc địa và lịch sử của họ. Sauk hi kỉ nguyên thực dân kết thúc, người dân từ các nước thuộc địa trước đây “kháng cự” lại những kẻ thực dân trước đây bằng cách “viết lại” những gì những kẻ thực dân viết về họ.
Tuy nhiên, điều thú vị là trong khi “viết lại” để chống những ý tưởng mà những kẻ thực dân đã tạo ra, người dân thuộc địa cũ đã sử dụng chính những khái niệm mà những kẻ thực dân đã tạo ra, mà chỉ đơn giản là đảo ngược chúng lại, biến mình thành ưu việt còn những kẻ thực dân cũ thì thấp kém hơn.
Đây là hiện tượng mà các học giả gọi là “sự thực dân trong tinh thần”. Bởi vì người dân thuộc địa cũ vẫn dùng những khái niệm mà những kẻ thực dân trước đây đã tạo ra. Những người không thể vượt qua được những khái niệm mà những kẻ thực dân tạo ra vẫn đang “bị thuộc địa về tinh thần”.
Image
Một ví dụ tốt cho trường hợp này có thể thấy trong một bài báo cũ của Keith Taylor. Mặc dù Taylor không phải là thành viên của một dân tộc thuộc địa, tuy nhiên, một bài báo mà ông công bố năm 1980 là một ví dụ hoàn hảo của việc “viết lại” chống một kẻ thực dân bằng cách sử dụng những ý tưởng mà kẻ thực dân đó tạo ra.
Trong một bài báo có tiêu đề “Một đánh giá về thời Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam” ((Journal of Asiatic Studies 23, no. 1:139-63), Taylor phản ứng lại một tuyên bố mà Henri Maspero đã đưa ra ở đầu thế kỉ XX.
Maspero cho rằng trước khi người Hoa đến, người Việt đã không được thống nhất, và rằng chính người Hoa đã dạy cho người Việt cách thống nhất và xây dựng một nhà nước mạnh.
Taylor phản ứng quan điểm đó bằng cách nói về những nhân vật như Hùng vương để lập luận rằng đã từng tồn tại một truyền thống chính trị mạnh mẽ trước khi người Hoa đến, và rằng vì vậy người Hoa chẳng dạy người Việt cách thống nhất và tạo dựng một nhà nước mạnh.
Vậy là việc Taylor làm trong bài báo này là nắm lấy những ý tưởng mà Maspero đề xuất và phản bác lại chúng. Nhưng khi phản bác lại chúng, Taylor đã dùng chính những khái niệm mà Maspero đưa ra.
Maspero có đúng không? Liệu có lí không khi nói về một sự thống nhất chính trị cách đây 2000 năm? Hay phải chăng đó là một khái niệm không thực sự thích hợp với giai đoạn lịch sử đó? Có một quốc gia thống nhất mạnh mẽ ở bất kì đâu trên thế giới lúc bấy giờ không?
Có lẽ không, và dường như đây là điều mà Taylor đã rút ra được, bởi trong công trình gần đây viết về lịch sử Việt Nam, ông thậm chí còn không nói gì về Hùng vương.
history
Vậy thì làm thế nào một học giả có thể đi từ việc dùng Hùng vương làm chứng cứ để chống lại ý tưởng của Henri Maspero đến việc viết một cuốn sách về lịch sử Việt Nam trong đó không hề nói gì đến Hùng vương?
Tôi cho rằng cái đã xảy ra là Taylor đã “giải thực dân” đầu óc mình. Ông hẳn đã rút ra kết luận rằng những khái niệm mà Maspero dùng để xem xét quá khứ là không chính xác, và rằng vì vậy tốt hơn là nên bỏ qua những gì Maspero nói và bắt kịp với một cách nhìn mới về quá khứ, cách nhìn do chính ông tự tạo ra.
Đây là cái vẫn chưa xảy ra ở Việt Nam. Và gần đây khi đọc một số bài báo nơi tôi thấy người ta nói về “Bách Việt”, tôi có thể thấy rất rõ điều này.
Image
Khái niệm “Bách Việt” được sử dụng bởi một số người nào đó ở khu vực mà ngày nay gọi là Trung Hoa hơn 2000 năm trước để chỉ những người sống ở phương Nam. Người “Trung Hoa” lúc bấy giờ xem “Bách Việt” là “mọi rợ”.
Ngày nay có những người Việt đang “viết lại” để chống cái nhìn này, và họ đang lập luận rằng “Bách Việt” thực sự bằng nhiều cách khác nhau là “văn minh” hơn về nguồn gốc so với “người Hoa”.
Đây là một ví dụ kinh điển của kiểu học thuật được tạo ra bởi những người bị thuộc địa về tinh thần. Những học giả này làm học thuật để bác lại những tuyên bố mà người Trung Hoa đã đưa ra cách đây hơn 2000 năm. Tuy nhiên, khi làm như vậy, họ đã dùng chính những khái niệm và phạm trù tinh thần mà người Hoa đã dùng hơn 2000 năm trước.
Điều khác biệt duy nhất là họ đảo ngược tầm quan trong của những phạm trù đó, và cho “Bách Việt” là quan trọng còn “người Hoa” thì không. Nhưng họ vẫn đang dùng chính các phạm trù mà “người Hoa” tạo ra.
Đây là sự thuộc địa về tinh thần, và đó là kiểu học thuật Hoa tâm. Khi bạn nắm lấy những ý tưởng Trung Hoa và đảo ngược chúng, bạn vẫn đang sử dụng các ý tưởng Trung Hoa, và học thuật của bạn do đó vẫn mang tính Hoa tâm.
Chỉ khi bạn vượt qua những khái niệm và phạm trù mà người khác tạo ra, lúc đó bạn mới trở nên độc lập thực sự. Đây là điều mà các nhà sử học Việt Nam vẫn chưa hoàn thành.
Cho đến nay, như tôi được biết, chưa có lí thuyết gia hậu thuộc địa người Việt nào xuất hiện. Không giống như ở Ấn Độ và ở Thái Bình Dương nơi lí thuyết hậu thuộc địa đã phát triển rất tốt, ở Việt Nam, đây vẫn là vùng đất chưa được khám phá.
Kết quả là, những cái đầu thuộc địa tiếp tục sản sinh ra học thuật thuộc địa. Bằng cách đảo ngược lại những gì thực dân đã nói, họ nghĩ rằng họ đang làm cái mới, nhưng bằng việc đi theo chính những khái niệm do những kẻ thực dân tạo ra, họ vẫn bị thuộc địa về tinh thần và học thuật của họ vẫn mang tính thuộc địa.

Comments