Cái đương nhiên của quyền lực - Trả lời ông Ðặng Thế Ðại

TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG

Trong bài “Một hướng tìm hiểu về bản chất tín ngưỡng thành hoàng làng” (talawas 10-1-2007) ông có nhắc đến một phần nội dung chương VI của quyển Thần, người và đất Việt nên xin nói lại. 

Một số vấn đề thắc mắc của ông, ví dụ về các thần “bậy bạ” có ở đình trạm trước khi đặt tượng Phật, hay vấn đề đình đi theo các nơi khai khẩn mới... thì ông có thể đọc ngay trong quyển sách vì xin nhớ đây là một chương, một phần của quyển sách. Ðằng khác, khi đọc lời chú số (1) của chương sách, ông sẽ thấy câu: “Trừ những chú dẫn thêm, các tài liệu (dùng) cho phần này đã được ghi ở bài ‘Một trú sở của thần linh Việt: Cái đình làng’”. Hình như chỉ với cái đầu đề ấy là đủ đóng góp một ít về “tinh thần dân tộc” như ở những bản nghiên cứu của những người khác rồi đấy. Cũng may mà ông đọc bản in 1989 mới có câu ấy chứ tôi đã bỏ nó đi trong các bản in 2000, 2006 rồi. 

Hình như ông không quan tâm nhiều đến các sách vở của những người như chúng tôi đã viết ra – chuyện cũng thường tình thôi. Bài “Một trú sở...” viết tháng 9/1985, được in ở tạp chí Văn Học (Mĩ) số 8-9 (tháng 10-1986), số 10 (tháng 11-1986) khi tôi còn ở trong nước, và được tập họp với những bài khác để in trong quyển Những bài dã sử Việt 1996 khi tôi qua Mĩ. Hình như quyển này sắp được in lại ở Việt Nam theo điều được người ta hiểu là chính sách cởi mở của chính quyền trong nước hiện nay. Bạn bè, người trước lạ sau quen ở Hà Nội đã giúp tôi len lách qua thực tế để cho nó (và những quyển sách khác) ra đời tuy bản thân không bằng lòng cho lắm, vì xét lại thì các thứ đã viết ra hơn hai mươi năm trước tất nay phải lạc hậu một ít rồi. 

Những người làm chính trị chuyên nghiệp, nhất là các chính khách của phương Ðông truyền thống, họ hiểu rất rõ giá trị của quyền lực, cho nên cố lập triều đại trước đã rồi sau đó tha hồ ban phát để cho đến cả nạn nhân cũng được cho là hưởng ơn mưa móc. Chỉ có điều là thiệt thòi cho kiến thức chung mà thôi. Cho rằng tôi kiêu ngạo cũng được đi. Nhưng các bài về tiền cổ Việt Nam của tôi trong quyển Những bài dã sử... đó, từng được tự động tái bản trên báo chợ (báo phát không) bên ngoài, giá được phổ biến trong nước thì đỡ tốn giấy rất nhiều, đỡ công các nhà “cổ tiền học” trong nước tha hồ “múa” bấy lâu nay. Tất nhiên là loại chữ nghĩa khuất lấp chạy vòng quanh như thế đã đem lại thiệt thòi cho tác giả về phương diện tinh thần: “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” được đưa ra ở Sài Gòn (Hồng Ðức bản đồ, 1962) khẳng định năm Giáp Ngọ đó là 1558, người lập bản đồ là Nguyễn Hoàng, trong khi tôi đính chính lại là năm 1774 với chủ nhân là Bùi Thế Ðạt (Thần, người và đất Việt1989, 214, chú số 10) thế mà khi trở về Việt Nam, chỉ thấy có Li Tana (Nghiên cứu Lịch sử số 11 (342) 2004.) Và chuyện cái đình làng cũng vậy. 

Cũng không nên trách người trong nước. Có người ở Mĩ làm luận án về Tây Sơn mà không hề biết đến quyển Lịch sử nội chiến... của tôi. Chẳng hay ho gì lắm đâu để mà khoe, sách viết đến gần nửa thế kỉ rồi, chính chủ nó cũng không buồn ngó lại, nhưng nó đã làm ồn ào trong nước suốt mười năm, sao lại không biết đến nó? Chỉ có một cách giải thích: Người nghiên cứu chỉ nhìn vào sách vở “chính thống”, của đương quyền. Lại cũng là chuyện bình thường. Sách vở trùng trùng điệp điệp trong phát biểu chính thức chỉ nói đến “phe” mình đang là đại diện nước mà thôi. Có râu ria gì chút ít cho kẻ khác, kẻ dưới tay thì chỉ là cốt để nâng mình lên. Ví dụ mới nhất là ông Nguyên Ngọc đọc bài tham luận ở Hà Nội (9-1-2007, talawas 11-1-2007) nói chuyện sách dịch tác phẩm triết học từ nước ngoài sau 1945... 1954 “chỉ tập trung trong các tác phẩm Mác-Lênin” khiến “chúng ta hầu như bị đứt hàng trăm năm với tinh hoa trí thức toàn diện của nhân loại”. Cái “chúng ta” đó chỉ có một nửa vùng đất từ “ải Nam Quan (của Tàu!) đến mũi Cà Mau” thôi. Ðem cái đương nhiên của quyền lực trở thành cái tự nhiên của tâm trí, và đóng kết thành chân lí của lịch sử. Nhưng tại sao buộc ông phải nhớ điều đó, phải xoá bỏ vị trí thuận lợi của mình? Chưa kể ngoài ảnh hưởng vì tác động khoả lấp của quyền lực, người nghiên cứu (cả học giả nước ngoài) còn mang trong mình mầm mống phù thịnh ngay từ trong tiềm thức. 

Vậy thì trở lại chuyện cái đình và ông thành hoàng ở đó. 

Trong bài “Một trú sở Việt của thần linh: cái đình làng”, tôi đã dựa trên văn bản xưa mà lập ra mối liên kết giữa đình tạ, đình trạm, đình hành cung, đình làng, (móc thêm cái nhà Rông) – đâu ra đó, không sử dụng chữ lập lờ, và xác định các thành phần của ông thần ở đó đổi thay số phận chìm nổi theo quyền bính tại chỗ và đà “Nam tiến”. Dừng lại ở sự kiện vững chắc, theo thời gian xuất hiện là đủ, không cần ôm đồm gây rối trí. Chấp nhận các sự kiện “cao cả”, “thánh thiện” mà bỏ qua chuyện tầm thường tệ hại thì không phải là làm việc nghiên cứu. Cái nào không có thì “đoán” nhưng không dám “vẽ” ra nhiều và cũng không có quyền phép nào ép ai phải nhận hết. 

Lẽ tất nhiên ý kiến của tôi là một thứ “lạc đạo” (hérésie) khó được chấp nhận không phải vì khó khăn của cách biệt chính trị do thời thế tạo nên mà còn chồng chất vì đụng chạm đến thành trì bảo thủ nữa. Tác giả chỉ dựa nhiều vào bằng cớ văn bản của ông Hà Văn Tấn (hình như của cả ông Nguyễn Duy Hinh, Ðinh Gia Khánh) mà không biết rằng ông ta không nói đến cái lệnh 1496 “giao đình cho làng”, một lệnh chính thức công nhận khởi đầu của thể chế đình làng cùng sinh hoạt của nó. Bỏ qua hay không biết? Ðằng nào cũng là gây lúng túng nhưng bỏ qua thì có cái lợi là giữ được lập luận truyền thống là cái đình làng đã xuất hiện từ thời thành lập làng/nước gì đó – muốn móc nối vua Hùng thì thêm cái nhà công cộng, cái nhà Rông. Và do đó ông thành hoàng ngồi trong đình miếu kia tất không đổi gì mấy. Những lần về Việt Nam, tôi cố tìm mua quyển sách của ông Nguyễn Duy Hinh, không được, nhưng theo sự dẫn giải của ông Ðặng Thế Ðại thì hình như ông ấy cũng có ý kiến tương tự về đình tạ, đình trạm, đình của vua ra đến đình làng... Và ý kiến của ông Ðinh Gia Khánh nữa. Có thể mừng vì sự tương thông đó, cũng như vào đầu những năm 90 của thế kỉ vừa qua, tôi đã thấy lí giải đình tạ, đình trạm, đình làng trong một số tạp chí Kiến trúc trong nước. 

Tác giả có trích Phan Kế Bính, trích các tác giả nói về đình Nam Bộ chẳng hạn để cho người đọc thấy ông cũng chịu nhận những thay đổi khi cái đình làng, ông thành hoàng đi về phương Nam, nhưng cốt yếu là muốn nói: không đổi gì lắm, chỉ là râu ria địa phương. Không phải đâu. Ðình làng miền Trung (phần đất Ðàng Trong cũ) có khác cả về nội dung thành hoàng, không phải con cháu vua Hùng, tướng tá Bà Trưng gốc “trâu ma rắn thần” (chớ cho rằng Alexandre de Rhodes “phỉ báng dân tộc”), không là người mà chỉ là các ý niệm triết lí Nho hiện thân thành các ông vô danh “hộ quốc tí dân...”, lẫn lộn hay chịu chia chỗ ngồi với các con Ngựa thần không-cu, các Bà Chúa Xứ, các Ðĩ Dàng “dâm ô, trắc nết, đã chết rồi mà còn muốn...” Ðình làng miền Nam tách ra làm cái “nhà việc”, “nhà vuông” với cái đình thần, còn ông thành hoàng thì yếu thêm một bực, yếu xìu, không giữ nổi cái trụ sở độc nhất khiến dân làng có thể đem nó hối lộ cho chúa Ngu Ma Nương, để ông thành dân homeless! Ông thần ngay từ đầu đã mang một quá khứ, rồi thay hình đổi dạng, uy lực trồi sụt, sống trong các trụ sở mang công năng tuỳ thời đại – những điều đó, những xáo trộn đó không làm bộ mặt thần khác đi đối với dân chúng, không ảnh hưởng gì đến sự tôn sùng của dân chúng sao? Không khiến người nghiên cứu dè dặt trong lập luận khởi đầu sao? Có thể phân trần là tác giả chỉ muốn “nhìn vào hình thức chung nhất, phổ quát nhất... bỏ qua tính chất địa phương (dù có thêm chữ “phong phú”) của tín ngưỡng thành hoàng.” Nhưng như thế là mắc vào điều như ông Nguyên Ngọc vướng phải ở trên – với ông Nguyên Ngọc là chuyện thời sự ngày nay, thời đại gần, với ông Ðặng Thế Ðại (và rất nhiều người khác) là suốt cả lịch sử nước Việt, là căn tính được gọi là “văn hoá” Việt. Hèn gì về Sài Gòn, nhắc đến cái hội nghị Việt Nam học năm 2000, nghe có tiếng la: “Việt Nam học chỉ là Bắc kì học!” 

Tôi không định phất cờ chạy theo mấy ông bạn quen cũ – có người là dân con nhà vương hầu mới. Tuy nhiên như đã nói, cái đất nước có 4000 năm văn hiến, chạy dài đến mũi Cà Mau sao lại chỉ có thứ văn hoá nhấp nhổm trên đèo Ngang, - lại có khi còn muốn chỉ quanh quẩn ở đất Thăng Long vòi vĩnh UNESCO kỉ niệm 1000 năm, để lịch sử dừng lại ở thời ông Lê Thánh Tông sau khi “mang gươm đi mở cõi” thì chết đi vì bệnh tim la (?) khiến gươm thần, ấn thần biến mất? (Tạm cho là) một nửa nước, (tạm cho là) một nửa dân mà không có kí-lô nào hết trong giá trị của toàn đất nước sao? Văn hoá, văn minh ở đó chỉ là sao bản của nền văn minh sông Hồng / Ðông Sơn / Thăng Long “rực rỡ” sao? Loại quan niệm “Văn hoá Nam tiến” này đã chung đúc thành một lề lối suy nghĩ lấn lướt / xu phụ (tùy chủ thể đứng ra khảo sát) đến trở thành bình thường, tự nhiên, nhất là khi áp dụng vào phần cuối của đất nước. Cho nên thấy có mấy cái trống đồng thì ắt phải có người Việt cổ ở đây từ đầu Công nguyên, không cần biết họ có đào hầm Củ Chi hay không. Bắt ông-đạo Phật Thầy Tây An ở núi Sam làm đồ đệ chân truyền của ông Trúc Lâm Ðại sĩ Trần Nhân Tông; thấy có mục thả bè trong tục Cúng Việc lề thì không chịu coi là hành động ứng hợp với môi trường sông nước mà nhất định phải là ý thức tưởng nhớ đến “tổ tiên ta từ miền Bắc (đi thuyền) vào”; đến tục thờ thần Bạch Mã trong đình của dân đi biển Quảng Ngãi cũng nhất định không có nguồn gốc nào khác hơn là ông thần Long Ðỗ thay áo... Có gì khó lắm đâu, chỉ cần đổi thay quan niệm sống, chui ra khỏi cái vỏ xơ cứng của thành kiến tự phụ, nhìn theo nét động của văn hoá thì vừa đúng với sự kiện thu thập được để lí thuyết trở thành chính xác mà con người cũng trở nên văn minh hơn. 

Những người cầm quyền địa phương có thể an tâm với lợi lộc kinh tế chia sẻ thời Ðổi mới, nhưng dân “chữ nghĩa” thì lại rất buồn về cái lối xoa đầu, vỗ vai khen dân Nam Bộ “chất phác”, “thật thà” như có phóng viên khen ông Chu Phạm Ngọc Sơn, như ông Ðặng Thế Ðại khen ông Sơn Nam “bộc trực... có trực cảm rất Nam Bộ (vụt ăn vụt nói, may ra mà đúng thôi!)” Như ai đấy khen “văn Nam Bộ” của Nguyễn Ngọc Tư (sao không là văn Việt Nam?), vậy. Cứ bằng lòng làm em thì sẽ còn được khen dài dài. 

Chỉ là chuyện mở đầu phân trần về một đoạn sách mà nói dài, nói “sang đàng”, nói “bắt quàng” quá nhưng như cụ Nguyễn Du đã dạy: “Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” tuy chưa tới đáy, chưa đủ khắp các nhánh... Bằng lòng vậy thôi, để dành chỗ cho người khác. 

12-1-2007 

Comments